Nếu ai đi du lịch Nhật hoặc xem qua video, sách báo du lịch Nhật thì cũng đều nhận xét là đường phố quá sạch sẽ, Vậy do đâu mà Nhật sạch sẽ như vậy, các bạn hãy cùng tìm hiểu nhé.
Đọc nhiều thông tin trên mạng cũng như đi onsen có quen ông cụ.Nghe ông nói hồi trước nước Nhật cũng bẩn lắm, mọi người vô tư xả rác ở tàu điện, nơi công cộng. Bầu trời cũng không trong xanh như bây giờ đâu. Nghĩ lại thì chắc cách đây mấy chục năm Nhật cũng như Việt Nam bây giờ, cái gì cũng phải từ từ thành thói quen thì mới sạch đẹp được.
Ở bên này được 5 năm mình nhận thấy có vài hành động nhỏ, mà đem lại vệ sinh môi trường như sau. Hy vọng chia sẻ của mình có thể thay đổi được nhận thức để góp phần cho Việt Nam sạch đẹp hơn
Thùng rác nơi công cộng
Hầu hết ở các nơi công cộng như siêu thị, công viên , tàu điện đều có thùng rác phần làm 3 loại : rác cháy được, rác không cháy được và chai, lọ. Kiểu như hình bên dưới là của nhà ga thì gồm chai lọ, rác tổng hợp và tạp chí, báo.
Thùng rác ở siêu thị , có nhân viên hàng ngày thay bao để tránh tình trạng ngập rác
Phân loại rác thì cực kì đơn giản, và được giáo dục từ mẫu giáo nên hầu hết người Nhật ai cũng chấp hành tốt. Nói về phân loại rác thì không đâu kĩ và tốt như Nhật được. Trước nghe Hà Nội có 3R mà không biết bây giờ còn không. Về quê thì vẫn thấy rác đổ hết vào 1 bao to rồi cho xe rác tới lấy. Mặc dù chưa văn minh nhưng còn đỡ hơn tình trạng dân đem rác ra vứt sông, hoặc đem ra đồng đốt, có khi đốt rác ở tại khu dân cư , vừa ảnh hưởng môi trường và nói cho to tát là “góp phần làm nóng lên toàn cầu, hiệu ứng nhà kính”.
Cách phân loại rác ở Nhật thì mọi người tham khảo ở đây:
https://locobee.com/mag/vi/2018/03/29/cach-phan-loai-rac-va-vut-rac-dung-o-nhat-ban/
Dọc đường đi bộ có các lon để đựng tàn thuốc
Đi trên đường thì ở Nhật các bạn có thể thấy nhiều người vừa đi vừa hút thuốc, có thể vì bận rộn đi làm cho kịp thời gian, cũng có thể không nhịn được để đến nơi hút(Ở Nhật thì có nơi hút thuốc riêng để tránh ảnh hưởng người khác thường ở gần ga, siêu thị và các công ty). Đối với các đoạn đường dọc đường tàu thì người dân thường lắp các lon để đựng tàn thuốc, và mẩu thuốc. Vừa không vứt rác bừa bãi, vừa phòng tránh cháy nổ do lửa tàn thuốc còn sót lại.
Nói vậy thôi chứ đi đường gặp mấy bác hay hút kiểu này là mình phải né đi đường khác liền. Cả cây số mà hít mùi thì chịu không được
Người già dọn vệ sinh tình nguyện
Đi làm sáng sớm thì mới phát hiện gần nhà có mấy cụ già thường xuyên đi dọc con đường, 1 tay cầm bao ni lông, 1 tay cầm dụng cụ nhặt rác. Vừa vui khỏe mà vừa làm việc được có ích cho đời. Không cần ai phân công nhiệm vụ, mỗi người mỗi đoạn đường, có mấy ông bà già còn nhỏ cỏ cạnh đường tàu, cũng như trồng hoa ở mấy gốc cây…..
Một phần vì người già bên Nhật sống thọ, thời gian rãnh rỗi nhiều, họ thường đi du lịch, hoặc kiếm những công việc tình nguyện: dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài, dọn dẹp vệ sinh khu phố, cầm bảng cấm đậu xe đạp khu vực quanh ga, hướng dẫn du lịch miễn phí,….
Nhà vệ sinh ở khắp mọi nơi
Các địa điểm công cộng thì tầm 500m đến 1km thì sẽ có nhà vệ sinh công cộng, được xây dựng bởi quận, thành phố và có người dọn vệ sinh thường xuyên, nên khi đi du lịch Nhật các bạn cứ yên tâm, ngoài ra khách sạn, nhà hàng, siêu thị cũng như cửa hàng tự động luôn mở cửa nhà vệ sinh cho tất cả mọi người.
Tham khảo thêm ở đây: https://matcha-jp.com/vn/1256
Thỉnh thoảng vẫn có mấy ông già “đái đường” ở gần mấy quán nhậu, nhưng phần lớn là do nguyên nhân cấp bách, bất khả kháng.
Cái này áp dụng ở Việt Nam hơi khó:
1. Chạy xe dọc quốc lộ vẫn gặp các chú “đái đường” thường xuyên
2. Đi toilet ở siêu thị vẫn gặp trường hợp không có giấy, vì dân tranh thủ đi toilet và đem giấy về để dành
3. Ý thức chưa tốt dẫn đến không giữ vệ sinh chung, thất thoát nước. Như ở sân bay quốc tế Đà Nẵng thì thấy nhà vệ sinh tương đối ổn, có cái tường ở gần máy làm khô tay hơi nhớp.
4. Vẫn sợ nhất là đi toilet trên tàu, cũng như trạm dừng của mấy nhà xe Bắc Nam. Ám ảnh mùi toilet thời đi học cấp 2,3. Vừa đi nhẹ vừa bịt mũi, nặng thì ko dám đi luôn.
Dọn vệ sinh của các hội tự trị (自治会)
Bên Nhật có các hội tự trị, giống như tổ dân phố ở mình, mục đích để tạo cộng động sinh hoạt chung, giúp đỡ lần nhau, tổ chức lễ hội , và một trong hoạt động góp phần đường phố sạch sẽ là dọn vệ sinh: thường sẽ chia theo top để dọn vệ sinh chủ yếu là mùa thu , vì lá rụng khá nhiều.
Mình sống trong tổ toàn người già nên cứ đến mùa thu là quét cật lực . nhưng phân công đầy đủ nên 1 năm 1,2 lần thôi.
Trước nhà thì có trường trung học nên tới mùa lá rụng mấy em cũng góp phần. Nhìn mấy đứa mà nhớ hồi xưa đi lao động cấp 2, mình thì làm đuối đơ, còn mấy đứa nhác lao động thì cầm cái chổi quơ quơ, rồi trốn đi ăn hàng.
Tóm lại
Nói chung thì đất nước mình đang phát triển thì vẫn còn nhiều điều cần cải thiện và học hỏi. Dạo gần đây thì thấy mọi người cổ động dùng túi giấy, cũng như túi sử dụng nhiều lần để đi chợ, cũng như thanh niên tình nguyện dọn bãi biển,….
Nhưng để thay đổi được hoàn toàn thì cần mỗi cá nhân sống có ý thức hơn, và tự thay đỏi mình trước, vì tương lai Việt Nam sạch đẹp.
Trước mắt là các bạn hãy dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sáng dậy sớm quét sân, quét lề đường trước nhà, và hạn chế dùng plastic là đã thay đổi được bản thân rồi.
TỔ QUỐC …….ĐIỀU ĐÓ TÙY THUỘC HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN, CHỈ THUỘC VÀO BẠN MÀ THÔI